THÔNG TIN CHUNG
Được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, TP.HCM từ lâu đã là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam. Du lịch đến với Sài Gòn – TP.HCM hơn 300 năm tuổi, bạn có thể gặp những tòa nhà cao tầng nằm san sát, những khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm sầm uất, nhưng cũng không thiếu những biệt thự cổ kính, những ngôi chợ truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm. Sài Gòn rộng lớn và không thiếu những “đặc sản” du lịch như Du ngoạn ven sông Sài Gòn bằng tàu, thăm phố Tây Phạm Ngũ Lão, mua sắm ở chợ Bến Thành hay về với biển Cần Giờ….
THỜI GIAN DU LỊCH
TP.HCM có 2 mùa phân hóa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Nếu đến đây vào mùa mưa, bạn nên mang theo ô (dù) hoặc áo mưa khi ra ngoài vì Sài Gòn nổi tiếng với nhiều cơn mưa bất chợt. Mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi tràn ngập nắng vàng. Ước tính, ở đây có tới 270 giờ nắng một tháng, nhiệt độ trung bình 27°C, cao nhất lên tới 40 °C nhưng không quá gay gắt như những nơi khác.
NHÀ HÀNG/ĂN UỐNG
TP.HCM là nơi tập trung dân cư thuộc tất cả các vùng miền trên cả nước. Vì thế ẩm thực ở đây vô cùng phong phú với những món ăn đặc trưng Nam Bộ hay món ăn du nhập từ các miền đất trên cả nước.
Phở
Dù ở Hà Nội hay TP HCM, phở vẫn là món ăn có sức hấp dẫn mãnh liệt. Ở Sài Gòn có vài quán phở đã tồn tại hàng chục năm và trở thành những tên tuổi mà người mê phở nào cũng biết.
Ốc
ốc là một trong những món ăn được yêu thích ở Sài Gòn, vì nó rẻ, vì sự đa dạng của món ăn và ở đâu cũng có thể tìm thấy quán ốc từ sang chảnh đến bình dân.
Cơm tấm
Nhắc đến Sài Gòn món đầu tiên mà bất kỳ ai nghĩ đến có lẽ là cơm tấm. Đây là món ăn phổ biến đến nỗi ở Sài Gòn người dân ăn món này từ bữa sáng cho đến bữa tối. Các tỉnh khác đều có cơm tấm phong cách Sài Gòn nhưng ăn chắc chắn không giống như các bạn ăn tại Sài Gòn. Món này có tên là Cơm Tấm vì trước đây món này được nấu từ gạo “tấm” có nghĩa là loại gạo nứt, vỡ, hình thức xấu chứ ko được nguyên hạt như loại gạo đắt tiền. Phổ biến nhất là cơm tấm sườn nướng, nhưng các quán cơm luôn phục vụ các loại khác nữa như cơm tấm gà quay, cơm tấm sườn bì chả…
Gỏi cuốn
Nguyên liệu để có một cuốn gỏi cuốn chất lượng là phải đầy đủ: rau, bún, tôm, thịt ba chỉ và tất nhiên không thể thiếu bánh tráng dẻo để cuốn bên ngoài. Tuy nhiên, điều chính yếu để có thể cảm nhận một cuốn gỏi ngon là thành phần nước chấm của nó. Người Nam hay dùng gỏi cuốn chấm với tương đen vì nó có vị ngòn ngọt, cộng thêm đậu phộng và đồ chua nữa. Gỏi cuốn bình dân, thân thuộc đến thế nhưng lại lá 1 trong 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn. Gỏi cuốn được bày bán rộng rãi ở khắp các hàng rong, quán cóc, chợ và cả siêu thị.
Bánh xèo
Bánh xèo là món bánh truyền thống của người Việt. Bánh làm từ bột gạo được tráng mỏng bằng chảo. Nhân được làm bằng thịt, tôm hay đôi khi chỉ cần vài cọng giá cũng đã đủ ngon. Ăn bánh xèo có thể ăn với nước tương được nấu từ đầu phộng xay nhuyễn. Nhưng ăn bánh xèo cũng có thể ăn với nước mắm chua ngọt với vài cọng dưa chua. Người ta ăn bánh xèo có thể ăn không, cũng có thể cuộn với rau cải. Vị thơm giòn, cay the của rau của bánh hòa với vị ngon của nước chấm khiến món bánh xèo trở thành trứ danh của ẩm thực Việt.
Hủ tiếu
Những món ăn này tuy không phải nguồn gốc bản địa song giờ đây cũng trở thành nét đặc trưng của Sài Gòn. Với người dân Sài Gòn, món này dễ ăn và khá được ưa chuộng. Tuy nhiên với dân Bắc, món này có vị hơi ngọt, có thể không quen khi thưởng thức lần đầu. Các quán hủ tiếu rất sẵn trên bất kỳ còn đường, ngõ hẻm nào của Sài Gòn.
Cá kho tộ
Cá kho tộ vốn là món ăn gia đình dân dã, cách trình bày đơn giản và được nhiều người Việt ưa thích, đến nỗi khi đi xa thì nhớ mùi vị da diết. Cá kho tộ thường được ăn chung với cơm trắng nóng hổi, rau luộc hoặc dùng kèm với chén canh nhỏ. Đây là món ăn trứ danh của vùng đất Tây Nam Bộ. Thông thường loại cá được dùng đem đi kho có thể là cá lóc, cá bông lau, cá hú, cá rô hoặc cá basa tùy sở thích… Những con cá được làm sạch, đánh vẩy, cắt khúc nhỏ để cho vừa tộ. Sau khi xếp gọn gàng cá, bạn tiếp tục nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Một số người còn kho cá cùng với thịt ba chỉ. Thịt rửa sạch, rồi bỏ lên chảo dầu phi cùng với tỏi bóc vỏ, đập dập để tới khi có mùi thơm phức. Cho phần thịt đã phi tỏi này vào tộ và đổ nước cốt dừa vào sao cho ngập cá. Bắc lên bếp cho lửa liu riu, đến khi gần chín thì nêm nếm lại lần nữa với ớt, tiêu, hành… Thông thường, người Sài Gòn sẽ làm món cá kho tộ này để đãi khách đến nhà. Bạn chỉ cần lấy rau luộc chấm vào nước cá kho, cho vào cơm trắng nóng hổi rồi thưởng thức, tiếp đó húp thêm chút canh nóng, ngon nhất là với canh chua.
Bánh cuốn
Bánh cuốn là món ăn có tiếng ở miền Bắc, đặc biệt là đất Hà thành. Từ thôn quê, thứ bánh dân dã len lỏi vào giữa phố xá, trở thành món “ruột” của người thành thị. Bánh cuốn ở quán luôn nóng hổi vì người đứng bếp chỉ tráng bánh khi có khách. Lớp bánh được tráng chín tới, có độ mỏng vừa phải, mềm dai nhưng không dễ rách. Nhân bên trong không mướt như thường thấy mà hơi khô, được nêm nếm theo công thức gia truyền nên có vị khác lạ. Sau khi bánh cuốn nhân xong thì được xếp gọn ghẽ trên dĩa, rắc thêm một nhúm hành phi giòn, vàng ruộm và thơm nức. Thứ ăn kèm không thể thiếu là chén nước mắm mặn có vị hài hòa được pha theo công thức riêng và dĩa rau gồm: giá trụng, rau húng, rau mùi, và cả xà lách.
Bún thịt nướng
Hà Nội thì có món bún chả trứ danh, còn Sài Gòn thì bún thịt nướng là số một. Chỉ cần một tô bún trắng ăm ắp thịt được nướng vàng ươm, thêm chút màu xanh của rau, tí mặn mà của nước mắm ớt băm đỏ song sánh, điểm tô trên mặt là đồ chua và đậu phộng thơm bùi. Tất cả hòa quyện tạo thành món bún thịt nướng thơm ngon hấp dẫn khó có thể cưỡng lại.